Hà Nội là một trong số những đại diện điển hình cho thị trường văn phòng cho thuê năng động. Nhu cầu cao, diện tích trống hạn chế đã giúp chủ đầu tư tăng giá thuê liên tục trong những năm qua. Dữ liệu của Savills trong năm 2022 cho thấy, bất chấp Covid-19, thị trường văn phòng tại Hà Nội duy trì nguồn cầu ổn định trong khi các loại hình bất động sản khác suy giảm đáng kể.
Trong thị trường văn phòng, phân khúc văn phòng hạng A đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Giải thích về xu hướng này, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Đầu tư Savills Hà Nội đưa ra 2 lý do cốt lõi.
Thứ nhất, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh khiến nhu cầu tìm kiếm văn phòng của các doanh nghiệp FDI tăng theo. Khi đầu tư vào mảng văn phòng, các nhà đầu tư ngoại có nhiều thế mạnh trong việc phát triển, xây dựng theo các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của các khách thuê nước ngoài. Họ cũng có lượng khách đầu ra nhất định khi tòa nhà đi vào hoạt động.
Ngoài ra, so với phân khúc khách sạn hay nhà ở, thị trường văn phòng cho thuê mang lại dòng tiền đều cho chủ đầu tư vì hợp đồng thuê của khách thường kéo dài 3 – 5 năm. Bên cạnh đó, thị trường văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội luôn duy trì tỷ lệ lấp đầy ở mức cao trên 90% suốt 5 năm qua.
Thứ hai, về mặt tài chính, lợi nhuận từ kinh doanh của các tòa văn phòng cũng là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh (Gross operating profit margin – GOP margin) dao động khoảng 25 – 30% cho phân khúc khách sạn 5 sao và 40-50% đối với khách sạn 3 – 4 sao thì tại phân khúc văn phòng mức trung bình có thể đạt đến 70 – 80%. Như vậy, việc đầu tư vào các tòa nhà văn phòng đạt GOP margin cao và hiệu quả hơn nhiều so với các dự án nhà ở và khách sạn.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư với thị trường văn phòng ngày càng cao dẫn đến làm tăng giá trị tòa nhà văn phòng ở mức tỷ suất vốn hóa rất hấp dẫn. Tỷ suất vốn hóa cho văn phòng hạng A tại Hà Nội đang ở mức 6 – 7%.
Theo bà Minh, một nguyên nhân khác khiến thị trường Hà Nội thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc là mặt bằng giá thuê vẫn thấp hơn TP HCM. Tại các khu vực trung tâm, giá thuê của văn phòng hạng A ở TP HCM có thể lên đến 55 – 60 USD một m2 trong khi giá chỉ dao động ở mức 40 – 43 USD một m2 tại Hà Nội. Điều này khiến các nhà đầu tư kỳ vọng vào thị trường văn phòng Hà Nội có thể sớm bắt kịp với thị trường TP HCM về giá thuê. Mặt khác, sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam đã khiến thị trường văn phòng tại Hà Nội vẫn hoạt động tốt và được các nhà đầu tư quốc tế săn đón.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, so với các thành phố trong khu vực phải chứng kiến công suất thuê giảm mạnh, Hà Nội vẫn là thị trường hấp dẫn và ổn định. Trong ASEAN, công suất thuê của thị trường văn phòng Hà Nội chỉ giảm 1% so với năm ngoái, đạt mức 94%, đứng sau Singapore và TP HCM.
Phía Savills thông tin, đến năm 2022, thị trường Hà Nội sẽ có thêm khoảng 192.000 m2 từ 17 dự án, với phần lớn nguồn cung thuộc hạng A nằm ở khu vực nội thành. Các dự án đáng chú ý bao gồm Century Tower ra mắt trong quý IV/2020, Vinfast Tower và BRG Grand Plaza ra mắt năm 2021 và Lotte Mall Hà Nội ra mắt năm 2022.