T5. Th1 23rd, 2025

Do thời gian giãn cách xã hội quá lâu suốt 3 tháng vừa qua, giá thuê mặt bằng ở trung tâm mua sắm giảm 24,8% theo năm, còn giá thuê nhà mặt tiền rớt 50%. Hãy cùng Kingoffice tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến điều này.

Các trung tâm thương mại đã ngừng hoạt động 120 ngày giãn cách xã hội khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Giá thuê trung bình của các trung tâm thương mại lớn điều chỉnh về mức $30.7/m2/tháng, giảm 18,2% theo quý và 24,8% theo năm. Hầu hết chủ các khu thương mại tiếp tục miễn giảm tiền thuê kéo dài từ quý II sang quý III để hỗ trợ khách trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Giao dịch cho thuê văn phòng 3 tháng qua rất hạn chế. Hiệu suất khai thác mặt bằng tại Sài Gòn dự kiến sẽ tiếp tục theo hướng giảm dù thành phố đã nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 01/10/2021 và cho phép các trung tâm thương mại mở cửa trở lại. Nguyên nhân là hiện nay cả bên cho thuê mặt bằng và khách thuê vẫn dè dặt, thăm dò cho giai đoạn “bình thường mới”.

Những lo ngại chủ yếu nằm ở tần suất của lượt khách ghé thăm và mua sắm giảm hay các chi phí phát sinh để kiểm soát dịch bệnh.

Vào giai đoạn cuối năm, nhiều khả năng giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại sẽ có nhiều thay đổi hoặc xuất hiện các thỏa thuận mới khi giai đoạn hỗ trợ giảm giá mùa giãn cách sắp khép lại. Kế hoạch khai trương các trung tâm bán lẻ mới vào quý cuối năm sẽ tiếp tục bị trì hoãn sang năm sau. Đối với các trung tâm thương mại hiện hữu, nhiều chủ tòa nhà dự kiến có những đợt cơ cấu lại khách thuê và mặt bằng thuê để tăng hiệu quả khai thác.

Tương tự, giá thuê nhà phố mặt tiền cũng tụt dốc mạnh, nhà phố cho thuê chịu ảnh hưởng nặng nề khi tất cả buộc phải đóng cửa suốt Quý III/2021, trừ các cửa hàng tiện lợi. Chủ nhà đã chấp nhận giảm giá thuê đến 50% sau thời gian dài bị bỏ trống để tìm khách mới nhưng không hiệu quả. Nhà phố tại các tuyến đường ở khu ngoài trung tâm có mức giảm giá thuê mạnh hơn so với khu trung tâm.

Trong thời gian tới, các dự án trung tâm thương mại cần phải điều chỉnh phù hợp chính sách cho thuê, hỗ trợ cũng như thay đổi cơ cấu ngành hàng để phù hợp với nhu cầu thuê hiện tại của các nhãn hàng. “Xét đến yếu tố vĩ mô, chỉ khi nền kinh tế hồi phục đi kèm với thu nhập người dân tăng trở lại, thị trường bán lẻ mới có thể bước vào chu kỳ phát triển mới“, theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam nhận định.